Hotline: 0974833164

TRANH CÃI TRƯỚC ĐỀ XUẤT MỚI VỀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

TRANH CÃI TRƯỚC ĐỀ XUẤT MỚI VỀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

Đang có ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan về thủ tục đăng ký kinh doanh nghiệp với các doanh nghiệp đặc thù như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…
 
Trong quá trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi quy định hiện hành, theo đó: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó, trừ thủ tục đăng ký doanh nghiệp”.
Một số cơ quan ủng hộ việc sửa đổi này, như Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù thì phải quy định cụ thể để thực hiện, như cấp phép an toàn thông tin, xuất bản…
Tuy nhiên, nhiều cơ quan khác lại bày tỏ không đồng tình. Theo Bộ Tư pháp, quy định sửa đổi như trên đồng nghĩa với việc tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. 

Lo ngại khoảng trống pháp lý
Bộ cho rằng, hiện nay, trong một số ngành nghề kinh doanh đặc thù như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng…, việc thành lập doanh nghiệp đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, quy định rất cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập và đăng ký cho doanh nghiệp. Các quy định này về cơ bản là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đó, chưa bộc lộ vướng mắc cần phải sửa đổi ngay.
Bộ Tư pháp cho rằng, việc các luật chuyên ngành quy định thẩm quyền cấp phép thành lập và đăng ký kinh doanh cho các bộ, ngành đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đó cũng là đảm bảo tính thống nhất giữa việc cấp phép với việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp sau này, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ này cũng lo ngaị, nếu sửa đổi như dự thảo Luật sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này. Ví dụ, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định giấy phép đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thể hiện việc đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (chỉ cần cấp một giấy và có quyền hoạt động thay vì phải thực hiện 02 thủ tục đăng ký kinh doanh và xin cấp giấy phép hoạt động).
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Doanh nghiệp như đề xuất trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định luật có liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành. Nếu theo quy định của dự thảo Luật thì các quy định hiện hành trong các luật chuyên ngành có thể đương nhiên hết hiệu lực và khi đó sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực này.
Việc tháo gỡ khó khăn, bất cập có thể được thực hiện qua việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ, thống nhất về doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và bằng các biện pháp điều hành, nghiệp vụ kỹ thuật thông qua cơ chế liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đăng ký thành lập doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chứ không nên sửa đổi Luật, gây xáo trộn không cần thiết, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp nhận thấy, việc quy định yêu cầu tất cả các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong một số ngành, nghề đặc thù nhưng mục tiêu, hiệu quả quản lý nhà nước đem lại không nhiều; trong khi đó, để đạt mục tiêu có thông tin tập trung thống nhất để quản lý doanh nghiệp có thể thay bằng cơ chế liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, trên cơ sở so sánh lợi ích và chi phí, Bộ Tư pháp đề nghị không nên đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Doanh nghiệp như đề xuất trong dự thảo Luật.

‘Quy định hiện hành tạo sự bất bình đẳng’
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đề xuất chính sách trên, lại có quan điểm khác. Theo Bộ này, một số luật chuyên ngành đã quy định theo hướng hợp nhất việc thành lập doanh nghiệp với việc cấp phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện quy định này cho thấy một số điểm không phù hợp, mà trước hết là đi ngược lại nguyên tắc bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nhà nước ghi nhận quyền đó thông qua cơ chế đăng ký doanh nghiệp. Việc đồng nhất quy trình cấp phép kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện với thành lập doanh nghiệp dẫn đến việc nhà nước cấp phép thành lập doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với tinh thần tự do kinh doanh trong Hiến pháp.
“Việc sửa đổi Điều 3 Luật Doanh nghiệp nhằm tách biệt giữa quyền đương nhiên của người dân là quyền thành lập doanh nghiệp và việc cấp phép kinh doanh trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.
Hai là, quy định hiện hành tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp ngay từ khâu gia nhập thị trường và trong quá trình hoạt động. Quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp đã dẫn tới tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp từ khi gia nhập thị trường cho đến suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thành lập theo luật chuyên ngành sẽ không nhận được hưởng những cải cách mà Luật Doanh nghiệp đã tiên phong thực hiện trong nhiều năm qua như các cải cách liên quan đến con dấu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp…
Bộ cũng cho rằng, quy định hiện hành không phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện này, hầu hết các nước đều tách biệt giữa việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh và việc cấp phép kinh doanh tại các cơ quan quản lý chuyên ngành. Theo Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, Việt Nam cần có quy định tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải được đăng ký tại cùng một cơ quan, nhằm đảm bảo việc quản lý thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. 
Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và các ý kiến góp ý, dự thảo Luật mới nhất đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo theo hướng giữ nguyên quy định tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp.
 

Nhóm thị trường vốn của Diễn đàn VBF đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì việc sửa đổi sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi các doanh nghiệp phải tiến hành 2 thủ tục thành lập và hoạt động tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành. Thay vào đó, các cơ quan quản lý cần có hệ thống liên thông để cập nhật, quản lý thông tin các doanh nghiệp để tinh giản thủ tục hành chính.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì đề nghị làm rõ một số nội dung: (i) việc thực hiện lại thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với các tổ chức đã thành lập và đang hoạt động theo luật chuyên ngành; (ii) Quy trình đăng ký kinh doanh theo Luật này và xin phép kinh doanh theo Luật chuyên ngành sẽ kết hợp như thế nào? (iii) Các quy định liên quan đến thủ tục thành lập các tổ chức tại các văn bản chuyên ngành nào sẽ bị bãi bỏ (Điều 3 Dự thảo đã bãi bỏ một số quy định tại văn bản có liên quan, nhưng vẫn chưa đầy đủ, ví dụ: văn phòng luật sư, công ty luật được thành lập và hoạt động theo Luật luật sư).
Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái đề nghị bổ sung theo hướng Chính phủ quy định chi tiết điều này. Bởi vì, cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với các trường hợp áp dụng luật chuyên ngành. Trường hợp doanh nghiệp đã được thành lập theo quy định của luật chuyên ngành trước thời điểm Luật có hiệu lực thì có bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp hay không? 

Theo kiemsoat.vn

 

 

 

 

 

Hãy liên hệ với chúng tôi để tư vấn miễn phí

Hotline/ Zalo: 0974 833 164 hoặc 0944704118 Email: vnsilaw@gmail.com
Từ khóa:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUỐC TẾ HOÀNG GIA - HÃNG LUẬT TƯ VẤN DOANH NGHIỆP

Chúng tôi luôn tiếp nhận thông tin của quý khách hàng rất nhanh chóng và linh hoạt. Thông qua các kênh tiếp nhận thông tin như điện thoại, gmail, zalo, facebook, kakaotalk,…sẽ nhanh chóng xử lý yêu cầu của quý khách hàng và phản hồi lại thông tin nhanh chóng, hiệu quả.

vnsilaw@gmail.com

Dịch vụ nổi bật