Hotline: 0974833164

Thành lập công ty mới nhất năm 2019

Thành lập công ty mới nhất năm 2019

Bài viết dưới đây trình bày chi tiết tất cả nội dung cần biết khi thành lập công ty vốn Việt Nam hoặc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, và các công việc cần thực hiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có). Qúy khách tham khảo nội dung bài viết sau đây:

I.  THỰC HIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY TRONG NƯỚC

1. Các bước thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị tài liệu để thực hiện thủ tục thành lập công ty

Để tiến hành thủ tục thành lập công ty, dù là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần hay bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào, Quý khách hàng chỉ cần chuẩn bị bản sao công chứng, chứng thực Chứng minh thư nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hạn của chủ sở hữu, các thành viên, cổ đông sáng lập, người đại diện theo pháp luật.

Bước 2: Soạn hồ sơ và nộp hồ sơ

Để nắm bắt được các yêu cầu của Quý khách hàng liên quan đến việc thành lập công ty, tùy vào mỗi loại hình doanh nghiệp mà Quý khách hàng muốn thành lập, VNSI sẽ gửi đến Quý khách hàng Bảng kê khai thông tin thành lập công ty.

Dựa vào các thông tin khách hàng cung cấp, VNSI sẽ tư vấn cho Quý khách hàng các vấn đề liên quan đến tên công ty, trụ sở công ty, ngành nghề kinh doanh dự kiến của công ty, thông tin về thành viên, cổ đông sáng lập, vốn điều lệ, thông tin về người đại diện theo pháp luật sao cho vừa đúng quy định pháp luật, vừa phù hợp nhất với yêu cầu của Quý khách hàng.

Sau khi thống nhất các vấn đề liên quan đến việc thành lập công ty, VNSI soạn thảo hồ sơ, chuyển đến Quý khách hàng ký và tiến hành nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thời gian hoàn: 03- 05 ngày làm việc, chưa kể thời gian soạn hồ sơ (Thời gian soạn hồ sơ 01-02 ngày)

Bước 3: Khắc con dấu công ty

Sau khi được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, VNSI sẽ tiến hành khắc dấu cho doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp được cấp trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp. Con dấu mà Quý doanh nghiệp nhận được là dấu tròn, có đầy đủ tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt địa chỉ .

Thời gian khắc dấu: 01 ngày

Bước 4: Công bố mẫu dấu

Trước khi bàn giao con dấu cho Quý Khách hàng, VNSI sẽ tiến hành thủ tục công bố mẫu dấu của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Sau khi mẫu dấu được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia thì con dấu mới có hiệu lực pháp luật.

Thời gian thực hiện: 03 ngày làm việc

Lưu ý: Trong Thông báo về việc sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp, thời điểm có hiệu lực của mẫu dấu thường để là ngày nộp thông báo hoặc sau ngày nộp thông báo 01 ngày.

Bước 5: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp

Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến hành công bố thông tin của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia. Để kiểm tra các thông tin liên quan đến Tên doanh nghiệp, Mã số doanh nghiệp, Người đại diện theo pháp luật, Địa chỉ trụ sở chính, Ngành nghề kinh doanh, Mẫu dấu, Quý khách hàng truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo đường link sau: https://dichvuthongtin.dkkd.gov.vn và nhập mã số doanh nghiệp hoặc tên doanh nghiệp để thực hiện tra cứu.

Thời hạn công bố: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp doanh nghiệp phải thực hiện công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

 

2. Một số lưu ý khi thành lập công ty

Thứ nhất, về tên doanh nghiệp

Tên doanh nghiệp gồm hai thành tố: loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng việt sang tên nước ngoài. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên tiếng bằng tiếng nước ngoài. Khi đặt tên doanh nghiệp chú ý đặt tên không gây trùng hoặc gây nhầm lần, sử dụng tên cơ quan nhà nước, sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thứ hai, về trụ sở chính của doanh nghiệp

Trụ sở doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định tại khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”, do đó doanh nghiệp cần tránh đặt trụ sở tại các căn hộ chung cư. Trong trường hợp căn hộ chung cư mà Quý khách định đặt trụ sở thuộc tòa nhà có chức năng cho thuê văn phòng, thì khi nộp hồ sơ thành lập công ty quý khách cần cung cấp thêm văn bản chứng minh tòa nhà đó đủ điều kiện, chức năng cho thuê văn phòng. Văn bản này Quý khách xin từ chủ đầu tư tòa nhà.

Thứ ba, lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Quý khách hàng có thể chọn một trong các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên, Công ty cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp doanh. Căn cứ vào thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thành lập đều chọn một trong ba loại hình doanh nghiệp sau: Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần. Về điểm chung cả 3 loại hình ngày chủ sở hữu, thành viên công ty, cổ đông đều chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp. Song mỗi loại hình lại có ưu điểm nhược điểm riêng.

* Công ty TNHH một thành viên:

Ưu điểm: việc quản lý điều hành công ty không phức tạp bởi chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến các hoạt động của công ty; Chế độ chuyển nhượng công ty TNHH 1 thành viên dễ dàng.

Nhược điểm: Việc huy động vốn khó khăn do công ty không được phát hành cổ phần

* Công ty TNHH hai thành viên:

Ưu điểm: Số lượng thành viên không quá nhiều, các thành viên đều là người tin cậy nên quản lý điều hành công ty không quá phức tạp; có thể chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác

Nhược điểm: Việc huy động vốn khó khăn do không được phát hành cổ phần

* Công ty cổ phần:

Ưu điểm: phạm vi hoạt động rộng, ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực; cơ cấu vốn linh hoạt, hoạt động chuyển nhượng vốn diễn ra dễ dàng; có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu nên có khả năng huy động vốn nhanh

Nhược điểm: trong trường hợp có quá nhiều cổ đông thì việc quản lý, điều hành công ty phức tạp, có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông có lợi ích đối kháng nhau

Thứ tư, kê khai vốn và thời hạn góp vốn

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì vốn điều lệ là doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, một số ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, ví dụ như ngành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì doanh nghiệp phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ. Do đó, doanh nghiệp cần kê khai đủ mức vốn quy định mà không cần chứng minh hay xác nhận nguồn vốn thực tế. Ngoài ra, tùy vào nhu cầu hoạt động, mức thuế môn bài mà doanh nghiệp muốn đóng mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn mức vốn điều lệ phù hợp

Thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thứ năm, ngành nghề kinh doanh

Về nguyên tắc, doanh nghiệp có thể lựa chọn để đăng ký mọi ngành nghề, trừ những ngành nghề bị pháp luật pháp luật cấm kinh doanh. Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề thì doanh nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện quy định mới được phép tiến hành hoạt động kinh doanh.

Thứ sáu, việc đóng dấu giáp lai các văn bản

Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp”.

Ngoài ra, tại Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP quy định khi thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu qua mạng điện tử, doanh nghiệp không phải nộp hố sơ thông báo mẫu dấu bằng bản giấy đến Phòng Đăng ký kinh doanh. Có thể nói, nghị định 108/2018/NĐ-CP đã khắc phục, giảm bớt một số thủ tục rườm ra cho các cho doanh nghiệp khi đăng ký thành lập, thay đổi đăng ký kinh doanh só với nghị định 78/2015/NĐ-CP

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ doanh nghiệp (Doanh nghiệp tư nhân không có điều lệ)
  • Danh sách thành viên đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, danh sách thành viên hợp danh đối với Công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần
  • Quyết định góp vốn đối với thành viên công ty, cổ đông công ty là tổ chức.
  • Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ sau: Chứng minh thư nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Hộ chiếu còn hiệu lực của chủ sở hữu, thành viên công ty, thành viên hợp danh, cổ đông sáng lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định ủy quyền của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức
  • Tài liệu khác sẽ do VNSI chuẩn bị

Kết quả:

  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  • Dấu công ty, dấu chức danh
  • Công bố mẫu dấu
  • Hồ sơ nội bộ
  • Hướng dẫn các thủ tục sau khi thành lập công ty: Mở tài khoản Ngân hàng, nộp tờ khai thuế môn bài, nộp thuế môn bài, đặt in hóa đơn, chữ ký số, làm biển công ty

II. THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

 A. Trực tiếp thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

1. Quy trình thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Bước 1: Đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật đầu tư 2014

Bước 2: Thành lập công ty sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Nhà đầu tư tìm hiểu dự án có thuộc diện Quyết định chủ trương đầu tư hay không để chuẩn bị hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư đầy đủ, đúng quy định pháp luật, gửi lên Sở kế hoạch và đầu tư nơi đặt địa điểm thực hiện dự án đầu tư. Hồ sơ gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc Hộ chiếu nếu nhà đầu tư là cá nhân. Bản sao giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư các pháp lý của nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất thực hiện dự án;
  • Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chỉnh của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất nếu thuê đất của Nhà Nước. Nếu không thuê đất, cung cấp Hợp đồng thuê địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án có sử dụng công nghệ;
  • Hợp đồng BCC đối với dự án theo hình thức hợp đồng BCC;
  • Phương án giải phóng mặt bằng, di dân (nếu có);
  • Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường;
  • Đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
  • Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có).

Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

3. Đăng ký Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phần, quy trình, thủ tục thành lập công ty giống thành lập công ty vốn Việt Nam tại Mục I trên.

4. Ưu nhược điểm của phương án trực tiếp

  • Ưu điểm: Người nước ngoài đứng tên ngay từ khi thành lập không cần tìm người Việt Nam đứng tên hộ.
  • Nhược điểm: Mất nhiều thời gian thực hiện; Phải chứng minh vốn góp, kinh nghiệm đầu tư, địa điểm thực hiện dự án đầu tư; Mất nhiều chi phí thành lập.

B. Gián tiếp thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

1. Quy trình thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp

Bước 1: Thành lập công ty do người Việt Nam đứng tên.

Bước 2: Đăng ký góp vốn/ mua cổ phần/ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

2. Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;

b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

4. Ưu nhược điểm phương án gián tiếp

  • Ưu điểm:

– Thời gian thành lậpg ty nhanh chóng;

– Không phải  chứng minh vốn góp, giải trình kinh nghiệm và địa điểm đầu tư;

– Thủ tục, quy trình thực hiện nhanh chóng;

– Tiết kiệm chi phí.

  • Nhược điểm: Phải tìm người Việt Nam đứng tên thành lập công ty do người Việt Nam đứng tên.


III. CÁC VIỆC CẦN THỰC HIỆN SAU KHI THÀNH LẬP CÔNG TY

♦ Mở tài khoản ngân hàng

Việc mở tài khoản ngân hàng sẽ do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tiến hành.

Hồ sơ gồm:

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản công chứng, chứng thực)

+ Giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo pháp luật (bản công chứng, chứng thực)

+ Điều lệ công ty

+ Thông báo về việc sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp

+ Quyết định của chủ sở hữu, Biên bản họp Hội đồng thành viên, Biên bản họp Hội đồng quản trị về việc cử người đứng tên trên tài khoản Ngân hàng

Lưu ý: Doanh nghiệp phải mang theo con dấu khi đi mở tài khoản Ngân hàng

Sau khi mở tài khoản Ngân hàng, Doanh nghiệp phải tiến hành Thông báo tài khoản ngân hàng để được cập nhật lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doang nghiệp và hệ thống thuế

Hồ sơ thông báo tài khoản ngân hàng gồm:

+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

+ Giấy ủy quyền cho người thực hiện thủ tục

Thời gian thực hiện: 03 – 05 ngày làm việc

♦  Nộp tờ khai thuế môn bài và nộp thuế môn bài

Theo quy định tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định về lệ phí môn bài thì mức thu lệ phí môn bài và thời hạn nộp tờ khai được quy định như sau:

Mức thu lệ phí môn bài:

+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;

+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.

Lưu ý: Doanh nghiệp mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.

♦  Khai nộp, lệ phí môn bài

Thời hạn để doanh nghiệp khai thuế môn bài được chia làm 02 trường hợp:

+ Khai lệ phí môn bài một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;

+ Trường hợp người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế.

Hồ sơ khai lệ phí môn bài: Tờ khai lệ phí môn bài (Mẫu – Phụ lục kèm theo nghị định 139/2016/NĐ-CP)

Thời hạn nộp lệ phí môn bài: chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm. Trường hợp người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí.

♦ Thời hạn nộp tờ khai thuế, nộp thuế và báo cáo tài chính

Thời hạn nộp tờ khai thuế:

Theo quy định của Luật quản lý thuế năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2016 thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được quy định như sau:

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý

a) Chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;

b) Chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm

Chậm nhất là ngày thứ ba mươi của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định về cách tính thời hạn để thực hiện thủ tục hành chính thuế thì “Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó”

Thời hạn nộp thuế:

Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.

Lưu ý: Ngoài nộp hồ sơ khai thuế thì doanh nghiệp còn phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Theo quy định tại Điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC thì thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như sau:

– Thời hạn nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo

– Thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý:

+ Quý I nộp chậm nhất là ngày 30/4;

+ Quý II nộp chậm nhất là ngày 30/7

+ Quý III nộp chậm nhất là ngày 30/10

+ Quý IV nộp chậm nhất là ngày 30/01 của năm sau

– Trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn, tại Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ghi số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (=0)

♦ Treo biển hiệu doanh nghiệp

Việc treo biển hiệu là nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp sau khi thành lập.

Biển hiệu doanh nghiệp phải có đủ các thông tin sau:

+ Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có).

+ Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.

+ Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

+ Mã số thuế, địa chỉ giao dịch, số điện thoại.

LƯU Ý: MỘT SỐ CÔNG VIỆC CẦN THỰC HIỆN CỦA CÔNG TY VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI 

♦ Thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp có trách nhiệm làm thủ tục đănh ký cấp tài khoản sử dụng trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê trên địa bàn về tình hình thực hiện dự án đầu tư, gồm các nội dung: vốn đầu tư thực hiện, kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xử lý và bảo vệ môi trường và các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Điều 71 Luật Đầu tư

Doanh nghiệp thực hiện báo cáo bằng văn bản và thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Đối với trường hợp dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư trước khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư.

♦ Thực hiện thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam

Đối với trường hợp trực tiếp thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam tại 01 (một) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi theo quy định của pháp luật. Sau đó, nhà đầu tư gửi tiền vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của công ty tương ứng với số vốn góp của mình. Các quy định về mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và bằng đồng Việt Nam được hướng dẫn theo quy định tại Thông tư số: 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào việt nam

Đối với trường hợp gián tiếp thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp vào công ty Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải mở một (01) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một (01) ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi được phép theo quy định. Mọi hoạt động đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Sau khi mở được tài khoản vốn đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư thưc hiện việc chuyển tiền góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp vào tài khoản của công ty tiếp nhận đầu tư. Các quy định về mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được hướng dẫn theo quy định tại Thông tư số: 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam

♦ Bảo lãnh cho nhà đầu tư, người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam

Công ty bảo lãnh cho người nước ngoài nộp hồ sơ xin công văn nhập cảnh cho người nước ngoài tại Cục quản lý xuất nhập cảnh tại Hà Nội hoặc tại TP HCM tuỳ thuộc vào nơi có trụ sở chính của công ty tại Việt Nam

Hồ sơ xin bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

– Giấy chứng nhận đầu tư 

– Văn bản bảo lãnh xin visa nhập cảnh cho người nước ngoài Mẫu NA2

-Văn bản đăng ký mẫu dấu và chữ ký công ty và người đại diện theo pháp luật Mẫu NA16

 Sau 5 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ và đầy đủ Cục quản lý xuất nhập cảnh sẽ trả kết quả cho doanh nghiệp, tổ chức. Trong công văn nhập cảnh Cơ quan xuất nhập cảnh ghi rõ thời gian nhập cảnh và nơi nhận thị thực của người nước ngoài.

Khi có kết quả duyệt nhập cảnh doanh nghiệp, tổ chức thông báo cho người nước ngoài đã hoàn thành thủ tục xin công văn nhập cảnh tại Cục quản lý xuất nhập cảnh. Doanh nghiệp trong trường hợp này chuyển công văn cho người nước ngoài (có thể gửi thông qua bản chụp email, fax, hoặc chuyển phát nhanh) để người nước ngoài làm thủ tục tiếp theo

Tại nơi nhận thị thực người xin cấp visa điền và nộp Mẫu NA1 có dán ảnh 3cmx4cm + Hộ chiếu gốc + Bản copy  của công văn nhập cảnh đã được duyệt tại Cục quản lý xuất nhập cảnh + Lệ phí xin cấp thị thực (Tại phòng nhận thị thực bảng lệ phí xin cấp thị thực được niêm yết công khai).

♦ Xin cấp giấy phép lao động hoặc xác nhận miễn cấp giấy phép lao động

Sau khi công ty thành lập xong có giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tiến hành luôn thủ tục xin các giấy phép cho cá nhân là người nước ngoài chuẩn bị nhập cảnh vào Việt Nam làm việc. Đối với chủ sở hữu công ty mới thành lập là cá nhân đồng thời là người đại diện theo pháp luật vào Việt Nam để điều hành công ty thì thuộc trường hợp xin giấy xác nhận miễn cấp giấy phép lao động. Cá nhân được chủ sở hữu là tổ chức cử vào Việt Nam làm người đại diện theo pháp luật thì phải xin cấp giấy phép lao động (trừ trường hợp: Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải) Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động;

Thủ tục để xin giấy phép lao động/Xác nhận miễn cấp giấp phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần 2 bước như sau:

Bước 1: Xin công văn chấp thuận về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

Bước 2: Xin giấy phép lao động/Xác nhận miễn cấp giấy phép lao động nước ngoài

Thành phần hồ sơ xin chấp thuận về nhu cầu sử dụng lao động gồm

  • Giấy chứng nhận đầu tư
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
  • Công văn giải trình xin chấp thuận về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài

Thành phần hồ sơ xác nhận miễn cấp giấy phép lao động

  •  Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động;
  • Giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Hộ chiếu của người nước ngoài
  • Công văn chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài 

Thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép lao động

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
  • Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.
  •  Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
  • Văn bản chứng minh là nhà quản lý
  • 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ
  • Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.
  • Công văn chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài

Lưu ý:

Người sử dụng lao động đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc

Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

♦ Xin cấp thẻ tạm trú 

Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú như sau:

– Hộ chiếu gốc – Có visa do công ty bảo lãnh hoặc Thẻ tạm trú cũ.

 – Mẫu NA6 dùng để bảo lãnh, được kí bởi tổ chức bảo lãnh.

 – Mẫu NA8 dùng để xin cấp thẻ, do Người xin cấp đề nghị.

 – Hai ảnh 2×3 phông nền trắng.

 – Xác nhận tạm trú của cơ quan công an khu vực nơi người xin cấp mới thẻ tạm trú lưu trú.

 – Giấy phép Lao Động với người Lao Động /Chứng Nhận đầu tư với Nhà đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Cơ quan có thẩm quyền cấp mới thẻ tạm trú xem xét cấp thẻ tạm trú cho người Nước ngoài.

Nếu Qúy khách có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến việc thành lập công ty/ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hãy gọi ngay hotline: 0944 704 118 (Luật sư Phạm Việt) hoặc 0979 825 425 (Luật sư Nguyễn Vân) để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ.

 

Hãy liên hệ với chúng tôi để tư vấn miễn phí

Hotline/ Zalo: 0974 833 164 hoặc 0944704118 Email: vnsilaw@gmail.com
Từ khóa:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ QUỐC TẾ HOÀNG GIA - HÃNG LUẬT TƯ VẤN DOANH NGHIỆP

Chúng tôi luôn tiếp nhận thông tin của quý khách hàng rất nhanh chóng và linh hoạt. Thông qua các kênh tiếp nhận thông tin như điện thoại, gmail, zalo, facebook, kakaotalk,…sẽ nhanh chóng xử lý yêu cầu của quý khách hàng và phản hồi lại thông tin nhanh chóng, hiệu quả.

vnsilaw@gmail.com

Dịch vụ nổi bật